Giờ nhớ lại thèm. Thèm tắm một cơn mưa, thèm ăn roi, thèm cái mùi thơm tho của lá cây xộc vào khoang mũi, thèm miếng cháo trắng kho quẹt và thèm nhất cái vỗ đầu của nội khi xưa.
Lúc còn nhỏ, bạn có từng tắm mưa không?
Còn với tôi thì kỉ niệm về những cơn mưa ngày ấy là nguồn vui bất tận. Đám con nít ùa ra trước sân nhà, chạy rong ruổi trên những con đường sình lầy trơn ướt bỏ mặc tiếng la của người lớn.
Tắm mưa – ký ức tuổi thơ (ảnh minh họa)
Rồi khi cơn mưa đi qua thì trong “đám quỷ sứ” ấy thế nào cũng có vài đứa ăn roi; vài đứa co ro trong chăn chiếu vì sốt, ho, sổ mũi.
Quê tôi ngày ấy còn nghèo lắm chứ, vẫn là đường đất, vẫn chiếc xe đạp cà tàng là dụng cụ, vẫn mái nhà lá lắm chỗ dột ướt, vẫn ngày hai buổi mẹ cùng cha bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Và tất nhiên ngày ấy, bệnh viện hay thuốc thang cũng trở thành điều xa lạ với đám nhóc đang bị cảm (trúng nước) vì nghịch mưa.
Nồi xông giải cảm của nội tôi
Đến tận giờ, khi cuộc sống đã có gần như đủ đầy mọi thứ thì tôi vẫn cứ hay nhớ về ngày ấy, nhớ về những trận dầm mưa, nhớ về cái mền con và có lẽ thứ rét mướt nhất là hơi nóng và hương tinh dầu bốc lên nghi ngút từ nồi xông hơi giải cảm mà bà tôi đã nấu.
Nồi xông giải cảm
Lần ấy, thấy tôi lạnh run vì sốt, nội cằn nhằn mấy câu rồi cắp cái rổ tre bước ra cửa nhà sau, vòng ra vườn hái đủ 8 thứ lá, bao gồm:
- lá sả
- lá bưởi
- lá ngũ trảo
- lá ngải cứu
- lá chùm giuộc.
Có hôm không có lá bưởi thì bà kiếm lá chanh, lá xoài để thế vào. Khi cái rổ tre đầy ụ lá thì nội mang vô sân nước, rửa sạch từng thứ rồi bỏ vào nồi, đổ thêm nước sao cho ngập mặt lá rồi đậy nắp, dằn thêm tấm thớt cho kín hơi rồi bắt lên bếp.
Khi dụm lửa xong, nội đi ra bờ cơi lấy nguyên cục đất to cỡ nắm tay rồi quăng vô bếp để nướng. Khi nước sôi ùn ụt, hơi khói cũng toả ra mùi thơm, nội lấy nhắc nồi đem bỏ lên li quăng rồi kêu tôi qua.
Tôi lòm còm bò dậy, lột cái áo với quần dài, sẵn tiện nhảy mũi vài cái rồi xách theo cái mền trèo lên bộ li quăng sẵn sàng đợi lệnh.
Nhớ lại ngày ấy tôi bé xíu và nom còi cọc lắm. Cái nước da đen nhẻm lại hơi tái vì bệnh nữa.
Tôi còn nhớ mãi cái cảnh trên người chỉ còn lại cái quần đùi ngang đầu gối, ngồi xếp bằng tròn cạnh nồi xông, đợi bà ngó xem cái mền đã phủ kín chưa. Khi mọi công tác chuẩn bị đều đã hoàn thành, tôi khêu đũa bếp nhắc nắp nồi lên thì từng đợt hơi nóng toả ra – tôi cứ tưởng quanh tôi chỉ toàn hơi nước. Lúc ấy, tôi nhắm mắt lại vì hơi nóng, tay cầm đũa cứ đảo quanh nồi còn người thì ươn ướt mồ hôi. Hơi tinh dầu từ lá cây bốc lên xộc vào mũi làm thông cái mũi đang nghèn nghẹt.
Xông hơi giải cảm (ảnh minh họa)
Tầm tám chín phút sau, khi nhắm chừng nồi xông bớt hơi và đã giảm nhiệt thì nội từ trong bếp gắp ra cục đất đã được nướng kĩ đỏ au, kêu tôi vén mền lên rồi bỏ nhanh vào nồi: cả cái nồi xìn xịt vì được tiếp thêm nhiệt lượng nhưng lần này hơi nóng đã bớt thơm hơn, chắc có nhẽ vì lẫn thêm mùi đất.
Một lần xông hơi kéo dài gần mười lăm phút và khi tôi khi tốc bỏ tấm mền thì y như mình vừa được vớt ra từ nước.
Lúc này, tôi thở một hơi thật mạnh, thật dài, thật sảng khoái rồi với tay lấy cái khăn rằn nội máng sẵn để chùi hết mồ hôi. Và rồi tập tàng mặc lại quần áo. Nghe tiếng tôi sột soạt mặc đồ, nội ở sau bếp kêu cứ ở yên trong nhà không được ra ngoài gió.
Thế là tôi ngồi vào bàn tròn, đợi nội đem lên tô cháo trắng nấu từ ít cơm nguội còn dư hồi sáng với cái niêu cá lòng tong kho quẹt thơm nứt mũi. Tôi cúi vội sì soạt húp ngay muỗng cháo còn chưa kịp thổi cho nguội bớt mà đến giờ nhớ lại vẫn thấy nóng rang đầu lưỡi. Và còn cái món cá kho quẹt mằn mặn, miếng tóp mỡ giòn, miếng tiêu cay nồng và không quên nịnh nội rằng “con thương nội nhất trên đời”.
Giờ nhớ lại thèm. Thèm tắm một cơn mưa, thèm ăn roi, thèm cái mùi thơm tho của lá cây xộc vào khoang mũi, thèm miếng cháo trắng kho quẹt và thèm nhất cái vỗ đầu của nội khi xưa.