Ai đã từng đọc qua những quyển Truyện đọc lớp 2, lớp 3 của bộ sách xưa – loại sách kích cỡ nhỏ chỉ bằng quyển tập ấy – chắc hẳn sẽ từng đọc qua rất nhiều câu chuyện cổ về các loài chim.
Không biết, bạn có còn nhớ chi tiết phần thưởng cho các chú chim thường là “một nắm hạt kê” không? Mình thì vẫn nhớ. Ngày ấy, mình cứ thắc mắc hạt kê nó ngon thế nào và con người có ăn được không?
Vâng, hạt kê có rất nhiều loại, phân theo giống thì có hai loại phổ thông là kê thường nhật, ở Trung Quốc gọi là hoàng lương 黄粱 (Panicum miliaceum) và hạt kê đuôi cáo (Setaria italica, giống Setaria italica var. germanica ở Trung Quốc gọi là tiểu mễ 小米) ( ) ( ).
Hai loại này rất khó phân biệt và hầu như chỉ có các nhà nghiên cứu sinh vật học mới phân định rẽ ròi được bằng các thuật ngữ, dấu hiệu phân tách chuyên ngành. Bên cạnh đó, nếu phân theo màu sắc thì hạt kê có nhiều loại với các màu khác nhau như trắng, đỏ, vàng, đen, tím, cam…
Hạt kê cho chim ăn
Nhìn chung, các loài chim chóc ăn hạt và chuột ăn hạt (chim sẻ, chim cu gáy, yến phụng, gà kiểng…) đều ăn được hạt kê (kể cả chưa tách vỏ). Trên thị trường hiện, người ta thường bán các loại như kê đỏ hạt nhỏ, kê mix 4 màu…
Loại hạt mix 4 màu cho chim ăn hạt và một số loài chuột ăn hạt
Nếu ghé ở các tiệm bán thức ăn chăn nuôi, bạn sẽ thường được giới thiệu loại hạt đã chế biến thành ngũ cốc dành cho chim chóc (kết hợp với nhiều loại hạt khác). Nhìn chung, loại hạt này được đánh giá là bồi dưỡng, thúc cho vật nuôi khỏe và mau lớn.
Hạt kê dùng làm thức ăn thực dưỡng
hiện nay, hạt kê đã tách vỏ được dùng làm thực dưỡng thường gồm hai loại là kê nếp và kê tẻ. Hạt kê nếp thì màu vàng đậm hơn, kích cỡ nhỏ hơn, dẻo thơm và ngon bổ hơn (nhưng lại dễ gây nóng trong người hơn kê tẻ). Ở nước ta, cây kê được trồng cốt ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc và nức tiếng là kê nếp vàng xứ Nghệ.
Kê nếp
Sau khi mua về, hạt kê sẽ được ngâm trong nước bình thường từ khoảng 7 – 8 tiếng cho mềm rồi hấp cơm, nấu cháo, nấu chè, làm bánh đa kê… đều được (nếu nấu cháo thì nấu cùng đậu xanh sẽ ngon hơn và nếu dùng cho người bị tiểu đường thì trộn thêm gạo để nấu cơm ăn hàng ngày sẽ tốt hơn).
Cháo kê bí đỏ táo tàu
Đặc biệt, nếu bạn muốn nấu món cháo kê bí đỏ táo tàu để bổ tim, bổ não, bổ bao tử, bạn có thể dùng 200 g hạt kê, 10 quả táo tàu và lượng bí đỏ vừa đủ. Món này thơm ngọt, dễ ăn và trẻ con người già đều dùng được.
Theo báo Sức khỏe và đời sống , hạt kê là loại hạt dễ tiêu hóa và chứa nhiều chất dinh dưỡng như chất đạm, chất đường bột, chất béo, các vitamin nhóm B và khoáng chất như Can xi, Sắt, Phốt pho… Về công dụng, kê có tác dụng lợi tiểu tiện, tương trợ cho người bị tiểu đường, tiêu chảy, khó tiêu và làm mạnh tỳ vị . Bên cạnh đó, với người bị thấp khớp thì dùng cháo kê cũng rất tốt ( ).
Tham khảo:
Thông tin thêm
Ở Trung Quốc, vị thuốc hoàng lương được ghi chép qua các công trình như Biệt lục, Bản thảo tái tân và người ta dùng hoàng lương để làm thuốc sắc hoặc nấu cháo ăn với các công dụng như:
- Vị ngọt, tính bình, hơi mát, thông vào Tỳ, Vị.
- Giúp điều trị nôn thổ, ỉa chảy.
- Giúp lợi tiểu, ích khí.
- Trừ phiền nhiệt ( ).
Lưu ý khi dùng
- Trong kết hợp : Không nên dùng cùng với hạnh nhân vì hai vị này không hợp, có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa ( ).
- Trong sử dụng : Hạt kê có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe và tương trợ điều trị bệnh. Tuy nhiên, các bệnh nhân không nên ỷ lại vào hạt kê và bỏ đi các thuốc đang dùng (nhất là bệnh nhân tiểu đường). Thay vào đó, để biết xác thực chế độ ăn cần có, các bệnh nhân nên tham khảo quan điểm thầy thuốc về kết hợp Đông y và Tây y để vừa điều trị bệnh, vừa bồi bổ thân thể, như thế sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
- 黄粱 , , ngày truy cập: 11/ 09/ 2020.
- 小米 , , ngày truy cập: 11/ 09/ 2020.
- Kê vàng , , ngày truy cập: 11/ 09/ 2020.
- Kê – món ăn trường sinh , , ngày truy cập: 11/ 09/ 2020.