Nhà ở thôn quê nên mỗi lần mẹ tôi mua rau nhút về, bà lại sai tôi lặt xong thì cắm nhành xuống mương “để nay mai nó nở thì ăn”. “Nó nở” nghĩa là nó bám đất, hút nước rồi mọc nhánh mới, nở lan ra đầy mương nước.
Cũng có khi, bà mua hai ba bó về, thấy bó nào già quá thì không lặt nữa là ném luôn cả bó xuống mương, cho bó rau ấy tự sinh sôi, bám đất, hút nước, đâm chồi…
Rau nhút – hình ảnh của làng quê sông nước
Bạn biết không, cây rau nhút (hay rau rút) thân thuộc với người dân mọi miền nhưng với người miền Tây thì nó lại càng gần gụi. Vào mùa nước nổi, khi những cánh đồng chứa chan nước thì những ao ruộng chuyên trồng rau để bán lại càng xanh vưỡn, từng đọt non mập ú nằm trên mặt nước, nhìn là phát thèm ngay! Lúc này, ta bơi xuồng hái rau rút non, đem vô lặt sạch, nhúng lẩu, nhúng chao hay luộc thôi thì cũng đã khoái khẩu rồi!
Rau non tươi
Nếu đã từng ăn qua rau rút, ắt hẳn bạn sẽ khó mà quên được mùi hương đặc trưng của nó! Rất thơm!
Công dụng của rau nhút
Nếu chỉ dừng lại ở công dụng của một loại rau ăn, có lẽ người ta đã không “mê” rau nhút nhiều đến vậy! Vào các đám tiệc, bạn sẽ thấy rau rút trong các dĩa rau nhúng lẩu.
Rau nhút trong các dĩa rau nhúng lẩu
Một điều đặc biệt là, rau rút ngọt mát, luộc lên lại càng cảm nhận rõ hơn. vì vậy, ăn nó xong thì giải được nóng nhiệt, thân thanh lọc, thoải mái, không thấy khô khát nữa.
Nói đến rau nhút còn là nói đến loại rau:
- Giúp mát gan, mát lòng (điều trị chứng dạ dày nóng).
- Giúp an thần, dễ ngủ.
- Giúp mạnh gân cốt.
- Điều trị sốt cao đến mức không ngủ được.
- Giúp nhuận trường, điều trị tiểu tiện không thông và táo bón.
- Điều trị lỵ và bướu cổ.
Cách dùng : lấy 20 – 40 rau tươi, lặt và rửa sạch rồi nấu canh ăn (ăn cái, uống nước). Nếu không nấu canh, bạn có thể xắt nhỏ rồi nấu nước uống.
Một số cách dùng phổ quát
Bên cạnh đó, với trường hợp sốt , cách dùng sẽ khác một chút. Cụ thể là: Nếu bị sốt nhẹ, bạn chỉ cần lấy nhau nhút, làm sạch rồi hãm với nước nóng để xông hơi. Nếu bị sốt nặng khiến cho không ngủ được, ruột nóng và tiểu tiện không thông thì nên lấy rau xay và ép lấy nước uống (sẽ hạ sốt tốt hơn) (1) (2).
Thu hoạch rau
Với trường hợp bướu cổ , dân gian có nhiều cách dùng khác nhau, có khi dùng độc vị, có khi dùng phối hợp. Ở đây, xin được giới thiệu hai bài thuốc theo ghi nhận của nhà nghiên cứu Võ Văn Chi (in trong công trình Từ điển cây thuốc Việt Nam , tập 2).
- Cách 1 : ăn như rau ăn hàng ngày và ăn liên tiếp 1 tháng.
- Cách 2 : dùng bài thuốc sắc gồm các vị sau đây: rau nhút (30 g), sinh địa hoàng (15 g), xạ can (8 g), bắc sài hồ Bắc (8 g), cải trời (20 g), mạch môn (15 g) và cây kinh giới (8 g).
Với trường hợp hay bị mụn nhọt và chảy máu cam do nhiệt huyết , dùng rau nhút cũng sẽ cải thiện phần nào (lấy lượng vừa đủ, làm sạch rồi ăn như rau sống hoặc cắt ngắn và sắc uống trong ngày) (1) (2).
Các bó rau nhút được bán ngoài chợ (khi dùng thì lặt bỏ thân già, rễ và phao, chỉ dùng phần ngọn non)
Với trường hợp phù thũng , bạn có thể dùng rau nhút (cả thân), khoảng 2 nắm, giã nát và vắt lấy nước uống thẳng tính. Tuy nhiên, với những người bị yếu dạ dày thì nên luộc lên ăn cả cái và nước.
Với trường hợp tràng vị ứ bế thì ăn sống hoặc uống nước xay từ rau này cũng sẽ có hiệu quả (rau nhút hòa vào tạng phủ, giúp thông lợi Trường (Ruột) và Vị (dạ dày) nên uống hai, ba ngày có tác dụng) (1) (2).
Những người nào không nên dùng rau rút?
Rau nhút ngon nhưng không phải ai cũng có thể dùng, cụ thể là:
- Trẻ nhỏ không nên ăn nhiều (vì ăn nhiều thì chân sẽ yếu ớt).
- Rau nhút có tính hàn nên những người thể tạng hàn (hay lạnh bụng, khó tiêu…) ăn nhiều sẽ dễ bị sình bụng (2).
Tham khảo:
- Tạ Duy Chân, Những phương thuốc hay – “Rau cỏ trị bệnh” , 1998, bản in trang 215.
- Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam , tập 2, NXB y khoa, HN, 2018, trang 295.